30 April, 2010

Thơ đi giang hồ

Các nhà thơ thời đi đâu?
Các nhà thơ, thời (phải ) đi giang hồ.
Có lần, trong một cuộc nhậu đàm, một ông chủ nhà sách chỉ tay người ngồi cạnh: Đây mới là nhà thơ thứ thiệt! Câu chuyện bông phèng bày ra vô số giai thoại của thi sĩ này, mà nếu nhìn bề ngoài, thì như người ta hay lấy cái vẻ ngoài của nhà thơ mà ví von vè sự nhếch, (không muốn dùng từ “nhếch nhác”). Hắn là kẻ lang bạt kì hồ, đến mức, một lần ra bến xe Giáp Bát, hỏi tay chủ xe “xe đi đâu” “Đà Nẵng”, thế là lên xe luôn, làm phụ xe rong ruổi nửa năm sau mới về, vợ không đi tìm, không kêu ca một tiếng! (Bà vợ thật tuyệt vời!). Lần khác, hắn say la đà rồi nhảy lên bàn đọc thơ trình diễn lẫn gào thét. (Đó mới là thơ trình diễn thứ thiệt! – Chủ nhà sách bình luận – dù Hội nhà văn nhất quyết không cho hắn tham gia sân thơ trình diễn mấy năm xưa).
Tôi cũng chứng kiến nhiều lần bia vào thơ ra, thơ càng ra nhiều càng phải thêm bia, thêm một tí tụng ca, thì sự cao hứng của nhà thơ, với bản tính tự mê, có thể bay lên đến chín tầng trời được. Cũng nên yêu chiều các thi sĩ, bởi trong đời sống hàng ngày, vốn người ta kiêng nói chuyện thơ thẩn. Mà có phải lúc nào cũng được nhậu tưng bừng, với gái, với lời ca tụng đâu?
Các nhà thơ đi giang hồ, đã đành, nhưng thơ đi giang hồ mới là thơ đắc dụng nhất.
Lần khác, trong một sáng cf đàm, một nhà thơ cao hứng nói: Các nhà thơ xứ Bắc kì, sẽ còn lại Nguyễn Bảo Sinh. Mọi thứ thơ cao siêu đạo mạo rồi sẽ chết đi, còn lại chút gì đáng kể đó chính là những câu thơ này. Nguyễn Bảo Sinh, nhà thơ nổi danh với khách sạn chó, bệnh viện chó tất nhiên đã chinh phục người đọc nhiều lứa tuổi với những câu thơ này:
“Khi mê tình chỉ là tình
Tỉnh ra mới biết trong tình có dâm
Khi mê dâm chỉ là dâm
Tỉnh ra mới biết trong dâm có tình”
Đại loại vậy.
Nguyễn Huy Thiệp ắt mê các tay thơ giang hồ này, nhiều truyện ngắn đã làm mông lung thêm hình ảnh Nguyễn Bính, Bảo Sinh, Đồng Đức Bốn….
Trong xứ blog này ắt nhiều người đã từng làm thơ hay là nhà thơ, hay vẫn là nhà thơ. Nhưng thơ như tình đầu, say đắm đấy mà thường không ăn đời ở kiếp, nên sau một thời gian mơ mộng thành Rimbaud, các nhà thơ lại lui về ẩn dật. Nhưng chắc chắn một phần đời đẹp nhất của họ, say sưa nhất của họ đã gắn với thơ.
Trong tủ sách ở nhà tôi, phần quý nhất là Thơ, nếu có xảy ra tranh chấp hay mường tượng cảnh ly biệt, thì cái phần khó xử nhất là chia số sách thơ ra làm hai như thế nào.
Dù thế nào, đã trót dan díu, thì không thể một sớm một chiều mà dứt lìa nhau được. Thơ chứ có phải là gái hay trai đâu mà nói bỏ là bỏ được ngay! Hic.
Chỉ ao ước có đôi ba câu thơ được đi giang hồ, ấy là mãn nguyện, hihi

3 comments:

sonata said...

Muốn thơ đi giang hồ thì phải thả thơ ra chứ lị, nhốt lâu thế chả thấy đâu thì đi thế nào được ;))

Nhã Thuyên said...

Thời này thả thơ ra là người ta sợ như cọp xổng chuồng chị ơi, nên cứ nhậu vào thơ ra cho zui thôi...

yellow said...

thơ là quả mơ có hột
bơ là nhà thơ
thật chao ôi nhiều hột để nhai
:P