31 July, 2009

Sau huyền thoại

Trái tim và Danko Danko móc trái tim mình ra, trái tim bốc cháy như ngọn đuốc lớn, và rùng rùng những thân người chuyển động trong vùng tối tăm đặc xịt của thảo nguyên gió rít theo ngọn lửa – trái tim chàng, cuồng nhiệt như đoàn sùng tín. Chói loà ánh sáng, mặt trời lên, đoàn người vẫn rùng rùng chuyển di trong rừng rực huyễn tưởng, không ai biết đó là ánh của mặt trời. Không ai biết Danko đã bị thiêu đốt bởi chính trái tim cuồng nhiệt của chàng và bỏ xác giữa cuộc hành trình. Trái Tim, chẳng ai sở hữu mi, chẳng bao giờ mi thuộc về kẻ hiến mình, mi chỉ là một biểu tượng nghiệp chướng của loài người, một từ ngữ không sao thiêu rụi được. 06.05.2009 Sau huyền thoại Hắn ngồi xuôi vai nhìn tôi, xa lạ và thân thuộc, cách con thú nhìn lại con mồi đã là của nó; hết sức yên tâm, con thú tôi nằm dài trễ nải trong bóng nắng đổ thành vết dầu loang trước mặt của một trưa trong vắt huyền thoại sau cuộc tháo chạy tưởng đến kiệt sức, như thể mình là công chúa hoá hình thành con nai trốn chạy quái vật si tình. Giờ đây, bóng nắng thân thiết với tôi đến nỗi, cơ hồ trong im lặng, tôi thấy cả những lay động run rẩy an ủi một lần chót, vuốt ve làn da tôi mát như thạch. Và buồn bã lan toả như sóng, vỗ về khoảng không bọc hai kẻ vừa qua cơn điên cuồng lao lực rượt đuổi và tháo chạy, nhưng sự xa xôi của khoảng cách cứ loãng mãi ra khi cơn phấn khích và hoảng loạn đã qua. Hai kẻ cùng nhau một hành trình, giờ một kẻ đã ngồi yên tạo thành vệt bóng đổ chồng khít lên một thân hình nằm dài bất động. 24.04.2009 Nhà thơ Nàng dang hai cánh tay gầy và dài vẫy như chim. Nàng muốn bay. Muốn có một người bay cùng. Cùng bay. Nàng thấy chàng mỉm cười. Nàng nhắm mắt. Hai cánh tay chàng sải rộng hơn, che chở cho cánh bay của nàng. Hai cánh tay chàng hớt những bóng nắng đầu tiên rải mật lên nàng rượi rượi vào mỗi ban mai và hứng hết giá băng của đêm sương, không kể ngày mưa nắng. Ở dưới cánh bay chàng, nàng hân hoan cùng câu chữ. Nàng rải thơ xuống những vùng họ bay qua, đôi khi chúng trôi theo một dòng sông, đôi khi thành mưa trên đồng, đôi khi là cỏ dại, đôi khi lại là một loài độc dược. Đôi khi, họ vừa bay vừa làm tình. Bộ dạng nàng thường có vẻ xơ xác và rũ rượi, nhưng lúc nào nàng cũng cuồng say hân hoan trong tâm tưởng. Bằng mọi cách, dù biết trước kết thúc của truyền thuyết, nàng đòi theo bóng của Icarius. Nhưng (đồng bóng và ích kỉ như tất cả các thi sĩ), nàng đòi cái quyền không bay một mình, cho đến khi họ cùng chảy thành mật dưới sức nóng của mặt trời. Rồi có lẽ, người ta sẽ lại nhìn (ch)nàng như một bi kịch. 04.01.2009

28 July, 2009

“Sống như trâu như chó cũng được, miễn là ráo riết”

“Sống như trâu như chó cũng được, miễn là ráo riết” Sau nhiều ngày tháng đi khắp nơi diễn giảng và thực hành nghệ thuật trình diễn với dự án: “Sống như trâu như chó cũng được, miễn là ráo riết”, lông trên người hắn dần dần dài ra, phủ kín thân, hai chi trước trĩu xuống dính lấy mặt đất không sao đứng lên được. Thân hắn ngắn dần và hắn trở thành loài vật đi bằng bốn chân. Các nhà phê bình mĩ thuật nói rằng đây là một tác phẩm lớn và mang tính phản tỉnh về mục đích sống của mỗi cá nhân. Nhưng bởi thời gian trình diễn kéo dài quá lâu, công chúng dần dần hoàn toàn mất ý niệm về nó. Một lần, hắn thực hành cảnh la liếm ở chợ, có kẻ thấy quẩn chân, đá hắn bay vào một đống rác lớn, chốn an cư của bầy chó hoang trong thành phố. 05.2009 Ở truồng giữa Những Người Mặc Quần Ả cúi xuống bụng dưới, nhận ra mình mọc thêm một cái dương vật, xám đen, xếp hợp lý một góc gần vuông và ở phía trên âm hộ, nhưng ả không cảm thấy vướng víu bởi ả luôn ở truồng. Ả bình tĩnh quan sát, dầu vậy, hết sức băn khoăn, cái dương vật cũng băn khoăn, gần như con bướm và Trang Chu xưa (cả con bướm lẫn Trang Chu đều đã từng băn khoăn, xin nhớ cho): dương vật vốn có ở đó hay vừa mọc lên? Ả tìm đến đám bạn gái — được gọi là Những Người Mặc Quần — đang vui vẻ cười đùa, để kiểm chứng mắt mình và hỏi xem họ có như thế không. Họ cười phá và chẳng hề ngạc nhiên nhưng tất cả đều khẳng định không bị mọc thêm dương vật hay bất cứ thứ kì cục nào trên người. “Liệu nguyên nhân có phải do tớ ở truồng giữa các cậu — Những Người Mặc Quần?” Ả hỏi mà chẳng đợi trả lời. Nhưng ả bỗng cảm thấy thật yên tâm. Thấy cái dương vật mọc thêm ra, ả mới nhẹ nhõm lý giải được hành vi trong quá khứ vừa hiển hiện trong óc: phải có cái này, mình mới làm tình được dễ dàng với người bạn gái trước đây mà mình tưởng như đã là một câu chuyện cũ. Nhưng từ trước đến giờ, vì sao ả không hề thấy? Thôi, điều đó cũng chẳng mấy quan trọng, có hay không có cả hai bộ phận, ở truồng hay không ở truồng thì nói trắng ra: tất cả chúng ta đều lưỡng tính. Có lẽ vấn đề nằm ở cách thức sử dụng trong những thời điểm khác nhau, ả nghĩ, mà biết đâu, cũng đến lúc họ, như mình, mọc lên một cái dương vật. 29.4.2009

09 July, 2009

Về sự chuyển dịch của văn học

Cái nhan đề là một cách đánh dấu. Còn lại mấy dòng nói lấy được để chống mốc.:) Tôi không hiểu đến giờ phải nỗ lực thế nào để nói lấy được về sự chuyển dịch của văn học trẻ trong thời gian gần đây: mạng internet, văn học giới tính, quan tâm đến tiểu thuyết, bàn về truyện ngắn, thơ ca, cách tân, nông thôn,… và một số thứ blah blah khác. Sự thực thì những gì tôi nhìn thấy ở văn học trẻ nói chung là sự đình trệ: hết sạch không khí sáng tạo và không thể có chia sẻ. Còn lại là sự chia sẻ kiểu vỗ tay vào cho vui. Điều đó cũng có thể tạo ra đôi ba cảm giác có gì đó vẫn đang diễn ra, đang nỗ lực, hãy cố gắng thêm, v.v. Nhưng sự chia sẻ chỉ có ý nghĩa khi khiến người viết có hứng. Còn lại thì một người viết văn, với tôi, cốt yếu nhất là bắn vào (*túi tiền*) độc giả :x Những phát biểu mòn mỏi tra đi vấn lại một số người, (tất nhiên những người viết báo đến một lúc nào đó sẽ có thừa lười nhác để tìm đến một ý kiến có thể khác, chỉ bằng cách send vài câu hỏi túm tụm qua một vài email là xong), một vài gương mặt nhàm chán không gợi nổi một chút quan tâm hay tò mò. Những người từng hoặc có tham gia/quan sát đời sống báo chí mảng văn hóa cũng thường thừa nhận với nhau rằng báo chí, luôn luôn ở tình trạng phải có gì để mua vui hàng ngày, tất nhiên, nên cũng chẳng có gì phải thấy nóng mặt xấu hổ khi một người viết phải tìm mọi cách xuất hiện nhanh nhiều tốt rẻ trên báo chí. Mở các trang web văn chương cập nhật báo chí ra, biết chẳng có gì đáng đọc về văn học. Nhớ Apo: văn xuôi có báo hàng ngày. Có chuyển dịch, nhưng là một chuyển dịch khác, hoặc phải là một chuyển dịch khác, mà đến giờ, tôi cũng rời rã khi tìm hiểu nó. Nhưng đôi khi, vẫn đọc Cảnh sát tòan cầu, An ninh thế giới, cùng nhiều thứ của chùa khác, cho vui vậy thôi. Để còn có cái mà tán nhảm với nhau tưởng rằng cả thế giới này là nghiêm trọng, thật chỉ như những trò đùa. Từ trò đùa, lại phải mở ngoặc đến Những mối tình nực cười của Kundera mà vốn lười đọc truyện ngắn dài, cũng phải đọc hết mấy truyện. Kundera đem lại những cảm giác hỗn độn: sự nhẹ nhõm, trống rỗng, sự ghê tởm cái nhẹ nhõm, phản tỉnh về những trò đùa và ghê tởm nó… Nhưng cuốn “Tên của khí trời” thì lay lắt vì không nhập được vào văn phong.

04 July, 2009

(baby) One more time

Luôn luôn, chúng ta (tôi) muốn bắt đầu một cái gì mới, hoàn toàn sạch sẽ. Tôi thích sự biến mất không dấu vết, không lưu luyến. Tôi dễ chịu hơn với một cuộc sống luôn – luôn – xa – lạ với chính mình.

Tôi muốn trò chuyện, về văn chương, cuộc sống, tất cả, đồng thời muốn im lặng, hoàn toàn, tự cấm đoán mãi.Vừa muốn chúng ta gần nhau hơn, muốn hiểu bạn và bạn hiểu tôi, vừa muốn xa cách, rời bỏ. Vừa muốn hút, vừa sẵn sàng những lời xua đuổi.

Tôi là quỷ tự đội mồ ngồi nhìn cái nấm mộ tròn xoe úa nhợt màu cỏ mình đã chui trong đó. Nhưng tôi là con quỷ sạch hết bùa phép và không bao giờ muốn trói mình bằng bùa phép.

Đến không gian của tôi là bước vào khoảng đất bỏ hoang mà bất cứ ai cũng có thể tự do đào xới. Tôi tàng hình giữa những cục đất có vẻ bạc màu và cằn cỗi. Như con vi trùng khó thấy. Tôi là người nông dân thờ ơ nhất với mảnh đất của mình. Đổi lại, kẻ ra vào mảnh đất ấy có thể tự gieo trồng và thu hoạch.

Ném sách đi, nếu ai đã tự thấy mình là kẻ khôn ngoan. Và đừng bao giờ đọc thơ.

Tôi không muốn quyến rũ, nhưng tôi đã:)