30 April, 2010

Thơ đi giang hồ

Các nhà thơ thời đi đâu?
Các nhà thơ, thời (phải ) đi giang hồ.
Có lần, trong một cuộc nhậu đàm, một ông chủ nhà sách chỉ tay người ngồi cạnh: Đây mới là nhà thơ thứ thiệt! Câu chuyện bông phèng bày ra vô số giai thoại của thi sĩ này, mà nếu nhìn bề ngoài, thì như người ta hay lấy cái vẻ ngoài của nhà thơ mà ví von vè sự nhếch, (không muốn dùng từ “nhếch nhác”). Hắn là kẻ lang bạt kì hồ, đến mức, một lần ra bến xe Giáp Bát, hỏi tay chủ xe “xe đi đâu” “Đà Nẵng”, thế là lên xe luôn, làm phụ xe rong ruổi nửa năm sau mới về, vợ không đi tìm, không kêu ca một tiếng! (Bà vợ thật tuyệt vời!). Lần khác, hắn say la đà rồi nhảy lên bàn đọc thơ trình diễn lẫn gào thét. (Đó mới là thơ trình diễn thứ thiệt! – Chủ nhà sách bình luận – dù Hội nhà văn nhất quyết không cho hắn tham gia sân thơ trình diễn mấy năm xưa).
Tôi cũng chứng kiến nhiều lần bia vào thơ ra, thơ càng ra nhiều càng phải thêm bia, thêm một tí tụng ca, thì sự cao hứng của nhà thơ, với bản tính tự mê, có thể bay lên đến chín tầng trời được. Cũng nên yêu chiều các thi sĩ, bởi trong đời sống hàng ngày, vốn người ta kiêng nói chuyện thơ thẩn. Mà có phải lúc nào cũng được nhậu tưng bừng, với gái, với lời ca tụng đâu?
Các nhà thơ đi giang hồ, đã đành, nhưng thơ đi giang hồ mới là thơ đắc dụng nhất.
Lần khác, trong một sáng cf đàm, một nhà thơ cao hứng nói: Các nhà thơ xứ Bắc kì, sẽ còn lại Nguyễn Bảo Sinh. Mọi thứ thơ cao siêu đạo mạo rồi sẽ chết đi, còn lại chút gì đáng kể đó chính là những câu thơ này. Nguyễn Bảo Sinh, nhà thơ nổi danh với khách sạn chó, bệnh viện chó tất nhiên đã chinh phục người đọc nhiều lứa tuổi với những câu thơ này:
“Khi mê tình chỉ là tình
Tỉnh ra mới biết trong tình có dâm
Khi mê dâm chỉ là dâm
Tỉnh ra mới biết trong dâm có tình”
Đại loại vậy.
Nguyễn Huy Thiệp ắt mê các tay thơ giang hồ này, nhiều truyện ngắn đã làm mông lung thêm hình ảnh Nguyễn Bính, Bảo Sinh, Đồng Đức Bốn….
Trong xứ blog này ắt nhiều người đã từng làm thơ hay là nhà thơ, hay vẫn là nhà thơ. Nhưng thơ như tình đầu, say đắm đấy mà thường không ăn đời ở kiếp, nên sau một thời gian mơ mộng thành Rimbaud, các nhà thơ lại lui về ẩn dật. Nhưng chắc chắn một phần đời đẹp nhất của họ, say sưa nhất của họ đã gắn với thơ.
Trong tủ sách ở nhà tôi, phần quý nhất là Thơ, nếu có xảy ra tranh chấp hay mường tượng cảnh ly biệt, thì cái phần khó xử nhất là chia số sách thơ ra làm hai như thế nào.
Dù thế nào, đã trót dan díu, thì không thể một sớm một chiều mà dứt lìa nhau được. Thơ chứ có phải là gái hay trai đâu mà nói bỏ là bỏ được ngay! Hic.
Chỉ ao ước có đôi ba câu thơ được đi giang hồ, ấy là mãn nguyện, hihi

25 April, 2010

Thèm cuộc sống

Lâu rồi không đọc tử tế một cái gì, đọc tử tế, nghĩa là có thể ngâm nga dông dài, (giai – có thể có hoặc không) và café ngồi cạnh, trời có (ít nhất một tí )gió ở ngoài thổi vào, ở trên cao thổi xuống, ở trong lòng thổi ra, thấy một ít lá cây đu đưa và vài ba gợn sóng hồ, thấy một ít mặt người giãn ra trên đường phố thưa thưa, lúc ấy, văn chương mới là cái gì khả dĩ có thể nhấm nháp được, không đến nỗi quá đắng, quá nhiều bóng tối, quá gây kinh hãi.

May, lúc đọc Ngô Phan Lưu không phải tâm trạng khi điên. Cao hứng quá, tin chắc văn xuôi Ngô Phan Lưu đáng kể tới hơn cả trong số những gì là văn xuôi đã đọc lõm bõm thời gian vừa rồi. Dù người ta phát hiện lão nông viết văn sành điệu này từ lâu lắc rồi! Nhưng khi thấy trên talawas, lười. Thấy được giải báo văn nghệ, lười. Thấy in (đến mấy tập) sách, vẫn lười. Vẫn tưởng mình giờ cảm hứng đọc văn chương bị đơ rồi, đã có tham vọng chuyển sang nghiên cứu từ điển và sách lịch sử.

Đọc Ngô Phan Lưu có cái thú vị như lần đầu đọc Bùi Hiển, lần đầu đọc Tô Hòai kể chuyện quê, giật mình vì quả thật, “người nhà quê” vẫn là một bí mật với tất thảy chúng ta, hay cá nhân hơn, với tôi, và hơn mười năm thơ ấu ở một làng quê nhỏ đồng bằng Bắc Bộ đến giờ vẫn là một nhớ nhung kì lạ, dằn vặt và lại nhiều mơ mộng.

Thực, “làng quê thì mênh mông”. Tôi vẫn biết một lúc nào đó, mình sẽ viết về làng quê, về nông thôn, dù tôi luôn thấy mình như một kẻ không gốc gác, không quê hương, nhà cửa. Ngay cả cái gọi là “quê xưa” ấy, cũng như không phải.

Bạn nói: “Cậu viết về làng đi. Nghe cậu kể chuyện làng, phát khiếp.”

Người ta kêu không ai viết về nông thôn!

Cười không cần ra nước mắt, mà vẫn thấy nhói, và lại thấy chan chứa trìu mến và dung nhận cuộc sống. Cái phẩm chất dân chủ của ngôn từ mà bao nhà cách mạng thi ca phải lên tiếng, bao kẻ bất mãn vì quyền tự do ngôn luận (ở Việt Nam) u uất xả bung (hay chửi vung) thì tôi tìm thấy trong văn Ngô Phan Lưu.

Thật đáng thèm (cuộc sống).