07 May, 2010

Ăn vặt

Đọc tạp văn Nguyễn Việt Hà bớt mỏi hơn đọc tiểu thuyết Nguyễn Việt Hà, tạp văn cũng như đồ ăn vặt của phụ nữ, bỏ trong túi xách, buồn cũng nhí nhách được. Nó là thể loại vô thể loại, như đứa con không rõ bố mẹ mình là (những) ai, dễ nuôi, dễ nhân giống, nhưng khó thành danh. Nguyễn Việt Hà cũng tự nhận mình là tay “tán nhảm lắm mồm”, nhưng cái sự lảm nhảm của gã, từ tập “Mặt của đàn ông” (xnb Hội nhà văn, 2008) đến “Đàn bà uống rượu” (NXb Văn học, 2010), thấy chưa nhạt đi mà đậm hơn, sâu sắc nước đời hơn, giễu cợt hơn, và đọc được nhiều hơn.

Nhân vật nhìn chung vẫn gồm lại: đàn ông và đàn bà, làm diễn viên, văn sĩ, thương gia, thầy giáo…, với không gian đô thị, với thời gian bây giờ, mỗi loại lại chứa nhiều tập con hành xử của đàn ông – đàn bà với mình, với người, với thiên nhiên mưa gió bốn mùa…. Từ đó bày ra một bề mặt đô thị nhốn nháo, ngược xuôi giá trị, nhiều nghịch lý, ê hề cái phàm tục, dấp dính cả vào cái cao thượng ít ỏi… Trong cái dung dịch phàm tục đó, cuốn trước, gã thả những tranh vẽ “mặt của đàn ông”, cuốn sau lại phơi một seri thiếu nữ, thiếu phụ.

(Tuy nhiên, xin mở ngoặc, đàn ông đọc hai tập tạp văn này được an ủi nhiều hơn đàn bà, thấy mình “nghĩa hiệp” hành sự hôn nhân như “chuyện không đáng làm mà không thể không làm”. Cái đề tài xoay đi xoay lại không xong này ắt làm phật lòng nhiều đàn bà hiện đại, bực mình như bị soi nhầm phải gương xấu, cái gương không biết nịnh mặt, vì hôn nhân cũng là cái hạn không giải được của bậc nữ nhi trót nông nổi tin vào ái tình phút chốc và mơ mộng về tuyệt đối.
Sách “Liêu trai chí dị”, phần tục biên, kể rằng: Một đạo sĩ mù khét tiếng có tài ngửi văn đoán người, đoán biết được xứ sở của người viết. Một ngày kia, người ta đem đến một số sách viết về đàn bà (của cả đàn ông và đàn bà). Đốt một ít trang của Miên Miên, Vệ Tuệ… ông bảo ngay “của Tàu”, vì mùi nhục dục suồng sã. Sách của Duras, ông nói có mùi tự mê, kiểu của Tây. Đến khi đem sách của Việt Nam ra, ông nhăn mũi đánh hơi rồi phân hai loại, ha hả: đích thị về đàn bà Việt. Hỏi cụ thể, ông bảo: loại đàn ông viết về đàn bà có mùi sợ hãi lẫn cay đắng mà tự mãn, loại đàn bà viết về đàn bà có mùi ảo tưởng mà nô lệ lẫn đau đớn. Hỏi tiếp liệu có cuộc nổi dậy đòi nữ quyền hoành tráng nào không, đạo sĩ cả cười mà không đáp).

Nguyễn Việt Hà xoay, dựng, ngắm nghía… chuyện người, chuyện mình, với cái nhìn từ bên ngoài, chứ không tự ru mình, không day dứt dằn vặt, không bày đủ hỉ nộ ái ố riêng tư, không ngao ngán đạo mạo. Nhưng gã không thể không bình luận và giễu cợt. Cái giọng giễu cợt đặc trưng qua cách dùng từ ngữ lung linh hoa mĩ cố tình, gieo vần, đảo tính từ nhấn mạnh, cách khóa bằng câu kết – nhiều câu “nhớ đời”, một kiểu khẩu văn lai thơ đậm đặc chất dân gian đương đại, cách lập ý ngược đời kiểu thơ Nguyễn Bảo Sinh. Gã ham truy nguyên, nhiều chữ, lắm nghĩa, đủ loại Đông Tây lẫn giai thoại đời thường, như kẻ sĩ nhẩn nha bình luận sự đời, như người kể chuyện trong cuốn sách của Thackerey đang quan sát và vẽ lại một “hội chợ phù hoa”.

Gã nhiều khi cũng bâng khuâng, vì cái đẹp, nhưng có lẽ buồn rầu nhiều hơn, bởi đó là những cái đẹp đã thất truyền hoặc đang biến thái khó lường.

May cho người đọc, Nguyễn Việt Hà không có vẻ sùng cổ. Cho nên tạp văn của gã, ngoài quan điểm về hôn nhân làm đàn bà đọc thấy chút bực mình, không bị xếp cùng loại với những cái được ví với “cụ già chống gậy vừa đi vừa thở dài” (nhất là khi người viết tạp văn tuổi còn trẻ), vốn cũng kha khá trên các báo. Giọng giễu cợt không bị ngấm chất trầm tư sâu sắc một tí mơ mộng một tí hoài niệm một tí, bâng kho-âng một tí, sặc sụa triết lý, đeo nặng nỗi buồn bất lực hay trách nhiệm phê phán, lên án cái bất công nhố nhăng ( lên án gì? khi mình cũng là một phần tử của cái nhố nhăng, cái hội chợ phù hoa đó).

Tạp văn hình như đang được thời, sau khi các nhà văn (e rằng) hết được mùa tiểu thuyết (Việt). Nhưng có bạn đọc đã nói vui để “cảnh giác” những nhà viết tạp văn, cũng dùng hình tượng Nguyễn Việt Hà đã viết trong một phiếm luận về phở: đã làm hàng phở, thì hãy cảnh giác nhất quyết không thể vì thị trường mà giương biển “phở, cháo, bún, miến, các món xào”.
12/4/2010
Nhã Thuyên

p/s: Ăn vặt nên nhiều khi ăn ngon không phải do đồ ăn ngon, mà có thể do trời đẹp:)

No comments: