26 May, 2010

Robinson

Tiệc mừng của Tổ chức Bảo Vệ Động Vật
Người ta đặt trước mặt tôi một đĩa thức ăn gồm những miếng thịt hồng hồng xếp đẹp mắt trong bữa tiệc chiêu đãi những người mới gia nhập tổ chức Bảo Vệ Động Vật. Tôi thét lên:
- Không ăn thịt người đâu! Không ăn thịt người đâu!
Những người quen nhìn tôi ái ngại. Những người lạ cười lên ha hả, dửng dưng nói:
- Đó chỉ là một bài tập thực hành dành cho bất cứ kẻ nào muốn tham dự tổ chức. Còn đĩa thịt này tất nhiên là số phận của những kẻ phản bội.
Tôi tỉnh khỏi giấc mơ để nôn và lại cố nằm ngủ tiếp xem họ làm gì tôi trong bữa tiệc.


Giấc mơ của người mê ngủ


Gã ngủ mê mải để mơ mãi về một giấc mơ được ngủ suốt đời không bao giờ phải tỉnh
dậy.


Cuộc đời tẻ nhạt

Để không bao giờ viết nữa, hắn ngồi mài mười đầu ngón tay xuống đá ngày này sang ngày khác cho đến khi hai bàn tay trụi lủi. Khi đó, hắn lại bắt đầu công cuộc tập viết bằng các ngón chân.

Robinson

Xa cách quá lâu, khi Robinson tìm được đường về đất liền, câu chuyện duy nhất của chàng chỉ còn là một chuỗi thổ âm xa lạ.

.
Tỉnh giấc


Chẳng biết những con người trong mơ đã gặp ta đó, giờ đi đâu?

23 May, 2010

Người kể chuyện cho trẻ em và Nhiệt Đới




Một trong những điều khiến tôi vui là viết thơ và kể chuyện (đúng bằng cách chỉ dùng lời nói, không viết lại) một cách ngẫu hứng cho trẻ con, cho tôi – con trẻ.
Cách đây hai năm, khi còn đầy ảo tưởng, (giờ thì ảo tưởng đầy:D), vì một gặp gỡ vừa ngẫu nhiên vừa có lý với nhà văn Lê Phương Liên, tôi đã đề xuất ý tưởng thành lập một nhóm sáng tác văn học thiếu nhi với hi vọng tận dụng công cụ blog, web để hoạt động độc lập và mở rộng mà không cần đến những sinh hoạt thực tế mang tính phong trào hay cổ động cho vui.
[Cái ngẫu nhiên này tất yếu nằm ở bản tính hoài cổ nhớ lâu mà không thù dai của  tôi. Khi nghe tên “Lê Phương Liên”, tôi giật mình nghĩ hóa ra cô ấy ở ngay Hà Nội này, chứ không phải thuộc về một  ngôi trường sơ tán nào đó có nhiều cây bàng nhiều đứa trẻ với Những tia nắng đầu tiên, chỉ nhớ thế, và giọng đọc trong vắt trên chương trình cho thiếu nhi của Đài tiếng  nói VN hơn chục năm trước… Cái tên Lê Phương Liên vì thế, với tôi luôn đẹp như nắng vậyJ. Thế là tôi xin số điện thoại, run run tìm gặp, rồi tôi được tặng sách, nhưng không phải cuốn sách in to cỡ bàn tay người lớn của NXB KĐ ngày xưa mà tôi đã tìm loạn lên ở cái thị trấn nghèo nàn vui buồn ấy]
Cái tên Nhiệt Đới được con chim Sẻ tóc xù,  một người bạn mà tôi luôn biết đó- là -ai -đấy nghĩ ra. Quá hay, đẹp tươi.
Rồi tôi tổ chức ra mắt, dưới sự hỗ trợ tài chính của công ty sách Hà Giang, mà tôi chưa có gì để đền đáp ân nghĩa buổi đầu ấy.
Rồi tôi nhận được rất rất nhiều chia sẻ và tác phẩm gửi đến, thơ, văn, tin tức…
Rồi chúng tôi tổ chức gặp nhau và trao đổi được thêm hai lần nữa.
Tôi và một vài người bạn nữa đã đọc, lọc, cũng không được bao nhiêu để đưa lên blog, khi ấy còn là yahoo.
Yahoo sụp, tôi bắt đầu xin tài trợ làm website, chuyển dữ liệu đã up lên blog www.nhietdoi.wordpress.com
Tôi vẫn chưa làm được điều gì để không là vô ích sự giúp đỡ và chia sẻ của những nhà văn, nhà thơ như cô Lê Phương Liên, nhà thơ Việt Phương, người đã giới thiệu tôi đến gặp ông Trần Xuân Giá vì muốn hỗ trợ một phần cho website này.
Website bị trục trặc rất nhiều lần vì người thiết kế, vì nhiều việc… đến giờ vẫn chưa hoàn thành.
Đó làchủ yếu là do sự không may mắn và do cách làm việc cả tin của tôi, cũng như sự thiếu tôn trọng công việc của đối tác.
Tôi đã để vô ích tiền bạc, công sức, thời gian và đem về cho mình sự mệt mỏi, trong khi tôi gần như  chỉ có một mình, cùng một, hai người bạn thân hỗ trợ phần nào, chia sẻ phần nào.
Có lúc bạn đã khuyên tôi nên bỏ. Đừng chuốc mệt vào mình.
Nhưng tôi không thể phụ lòng người khác. Tôi đã biết mình làm một việc chưa đúng thời điểm hay tự tặng mình sự mệt nhọc, nhưng tôi luôn nhắc mình phải làm, dù sớm hay muộn.
May sao, tôi gặp Thụy Anh. Và Nhiệt Đới sẽ trở thành một dự án nhỏ trong dự án CLB Đọc sách cùng con, nhưng vẫn hoạt động độc lập về văn chương.
Lần khởi động lại này, tôi đã bớt đặt những mục tiêu xa. Tôi muốn làm một việc cụ thể : xây dựng được một không gian kích thích sáng tác văn học thiếu nhi.
Chỉ thế thôi, nhưng là cả một chuỗi khó khăn, vì tôi đã đọc những gì gửi đến NĐới và văn học thiếu nhi Vn, tôi biết, tất cả cần phải xây dựng lại từ đầu.
Chưa bao giờ tôi nghĩ mình trở thành một người viết chuyên cho thiếu nhi, nhưng nay, tôi đã tự thấy mình sẽ có một phần nào trong đó.
Khi Nhiệt Đới ra mắt website trong tháng 6 tới, điều tôi mong nhất là có được đôi ba người nhiệt tình, đam mê sẽ cùng tôi xây dựng website này. Tôi biết bây giờ người viết có nhiều cách để khẳng định, nhưng website chuyên về văn học thiếu nhi có thể vẫn là có ích cho những người đọc, và cho người viết đang tìm đường, tìm không gian sẻ chia.
Tôi chờ đợi được hợp tác và chung sức.
Còn đây là chút suy nghĩ lẻ của tôi về người viết văn học thiếu nhi hôm nay, mà tôi cũng là kẻ đang tham dự, kẻ muốn uống nước từ Biển Truyện.
Cảm ơn những người bạn không kể tuổi tác, những người xa gần đã bên tôi và giúp tôi trong hai năm qua. Hai năm để nhận ra ở tuổi 20, 21 người ta nghĩ mình có thể làm được mọi thứ một cách dễ dàng, và bây giờ tôi phải nghĩ: mình phải làm mọi việc một cách thông minh và kiên  nhẫn. Tôi mong các bạn đã từng vui cùng NĐới ra mắt sẽ kiên nhẫn thêm cho một chút hi vọng nữa, one more time:)
N.T




22 May, 2010

Kẻ bỏ đi

hắn nói: ải áy!

ải áy, ải áy!



(cả sự rng,

                     tất nhiên – tôi chú thích)



tro của bàn tay

rất mềm rất ấm

tôi vục vào mò đôi tròng mắt loàn loạn trắng

lờm lợm nhoèn nhoẹt nắng

hè hà nội



rất nhiều ngón tay chọc thẳng xuống

xoáy từng lỗ hổng đen hồng hộc và ngòm ngọm sâu

những cái móng đợi được mọc lên

những ngón tay cắm thẳng

đợi………………………..

hắn đến

cùng buông

lộn cổ vào một bầu trời thủng lỗ chỗ

m



t

bầ                                    tr `i

                           ủ                    ng                           ỗ

                                                           l                                 ch



kẻ bỏ đi cũng là kẻ

vượt qua những gì đang chế ngự

ngọng líu lô

đủ sức giết chết hay hồi sinh những con mắt trong tro ấm



kẻ bỏ đi cũng là kẻ đã

la ó, khóc than, im lặng

một hôm xổ ra những con mắt

một hôm xổ ra toàn màu trắng

thế giới bị chọc mù



ai cắm trên đầu những ngón tay

rất nhiều con mắt thòi lọi

A, ơ, uơ uơ ang ốc áy!

22.05.2010

Lại Romeo & Juliet

Câu chuyện về một nhà thơ can đảm




Như những nhà thơ trung thực với mình và can đảm tự hủy, gã ném tất cả những bài thơ gã cảm thấy nhạt nhẽo vào lò lửa.

Kể từ đó, suốt cả quãng đời khô kiệt cảm hứng còn lại, gã vặn vẹo mãi một mình một chuỗi dây xoắn đau khổ và nuối tiếc như thể đã làm một việc ngu xuẩn nhất trên đời, và như thể gã đã hủy diệt những bản thảo lẽ ra là những tác phẩm không-thể-mục-nát.

Cũng từ đó, gã cứ lân la hết người này kẻ khác để kể về sự tự hủy đau đớn và can đảm đó như một giai thoại.

Người ta nói, để lại giai thoại chính là cái an ủi đáng kể nhất trong cuộc đời của gã.

22.05.2010



Lại Romeo & Juliet



Dưới vầng trăng đang phủ bạc trên những ngọn cây trĩu quả, khi Romeo cất lời thề thốt, Juliet biết rằng Romeo đang sở hữu một cái lưỡi vô giá.

Shakespeare cho rằng cái lưỡi giết chết hầu hết các cặp tình nhân.

05.2010

15 May, 2010

Thơ Lý Đợi - Khi kẻ thù của ta buồn ngủ


Trân trọng giới thiệu tập thơ song ngữ của Lý Đợi đã đến Hà Nội:

Khi kẻ thù ta buồn ngủ
When our enemy falls asleep

(Translated from Vietnamese by Nguyễn Tiến Văn)
Giấy Vụn Publishing house, 2010

Ăn tạm chút soup tại đây
Bác Nguyễn Tiến Văn cũng bị nhặt sạn. hihi

Nếu ai có nhu cầu sở hữu tập thơ còn thơm thơm mùi mực này, xin để lại ms or email, gọi điện tới khổ chủ blog này.
(Lần này em quảng bá kiểu trần trụi giữa bầy sói thế thôi các bác ạ, em cũng biết “thơ không thể PR, dù không thể không PR”)
Số lượng có hạn, ưu tiên người có quà tặng:)

N.T

12 May, 2010

Thành phố viển vông

Có nhiều cách người ta đến với (Lưu Quang) Vũ, mà với nhiều người, LQV có lẽ chỉ là Vũ, như một mối tình không bao giờ nghĩ đến một cái đích, nhưng không bao giờ mất đi. Gọi là mối tình đầu, tình thứ hai hay thế nào cũng được. Quả đúng, bất cứ khi nào yêu được thì hãy cứ yêu đi, đừng băn khoăn gì cả, đừng nghĩ gì ngoài nó. Bởi thế, người đàn bà nào của Vũ cũng là tha thiết tận tim, bàng hoàng cơ thể. Người đàn bà nào cũng có thể tự thấy mình là người xứng đáng với tình yêu hơn hết, khi được Vũ yêu và khi yêu Vũ. Đừng ghen tuông, dù luôn khát khao tuyệt đối, và thường trực ghen tuông, vì tất thảy sẽ là “người đàn bà không có tên”, nhưng như khí trời để thở, như tình yêu để yêu, như thơ để sống… Chẳng có gì không là tận hiến và tận cùng đòi hỏi.

Vì lẽ nào mà Vũ đến với tôi? Không lẽ vẫn là từ người cha yêu thơ theo cách của một kẻ cô đơn tìm đến từ ngữ, có thể chỉ là việc tìm đến từ ngữ. (Cho nên với ông, thơ là Nguyễn Bính, Hàn Mặc Tử, Lưu Quang Vũ, Tú Xương mà cũng là cả Tố Hữu). Khi tôi 11 tuổi, vừa vào lớp 6, tôi đã thấy tình yêu trong câu chuyện này của bố (mà tôi không bao giờ biết hư thực): Vũ trở về nhà trong đêm sau một chuyến đi xa, đầu đội mũ cát, quần áo bạc bụi đường, mở cửa, và thấy người vợ (là ai?) đùa vui với một người khác, Vũ kéo mũ sụp xuống, lặng lẽ đi ra và không bao giờ quay lại nữa. Tiểu sử của Vũ chẳng bao giờ xác minh cho tôi chuyện này. Đó có thể chỉ là một nhầm lẫn, một mơ hồ của trí nhớ, của bố tôi, và rồi là của tôi. Vũ không phải là Lưu Quang Vũ, Vũ là một nhân vật.

Thế mà đến năm 2003, tôi 17 tuổi, tôi mới được tự mình đọc những bài thơ của Vũ, trong một cuốn sách (Cuốn “Lưu Quang Vũ thơ và đời”, nxb Văn hóa Thông tin 1997, bìa sách đơn giản với hình ảnh Vũ buồn bã, mơ mộng, sâu thẳm mà lại ngây thơ như một cậu bé ở giữa, màu trắng bao quanh) mà tôi mua được khi lang thang giữa trưa nắng gắt một mình, buồn bã, bé nhỏ và luôn hồi hộp, ở một thành phố mà tôi luôn nhớ về nó với câu thơ này: “Thành phố ngày anh mười bảy tuổi; Viển vông, cay đắng, u buồn”. Hồi đó, lớp chúng tôi đặt báo Văn nghệ, và tôi đọc câu thơ đó từ báo. Trong kí ức tôi thuở nhỏ, Hải Dương luôn là một thị xã hơn là thành phố, nơi tôi không bao giờ quên cảm giác lạ lẫm khi xe ô tô chạy qua cái chắn ngang cầu Phú Lương cũ, thường phải dừng lại khi có đoàn tàu chạy qua (mà sau này, chẳng bao giờ được đi ô tô phía cầu cũ đó, cây cầu và chuyến ô tô định mệnh nào đó đã là số phận của Vũ, của Xuân Quỳnh, bé Quỳnh Thơ để Vũ, như Hàn Mặc Tử, không bao giờ già cho nổi trong trí nhớ.). Nhưng Hải Dương hồi 17 tuổi của tôi đã là một thành phố, và không có câu thơ nào với tôi chính xác hơn thế : “Viển vông, cay đắng, u buồn”, dù kẻ nào cũng có thể mượn câu đó để cho là đúng với mình hơn hết. Đó là thành phố nơi tôi bắt đầu những tình bạn đặc biệt mà từ văn chương, chúng tôi kéo nhau lại với đời sống, hay từ đời sống được níu giữ lại nơi miệng vực của tâm trạng dễ tuyệt vọng và sẵn sàng đau đớn của tuổi trẻ mà chúng tôi tìm đến văn chương. Đó là thành phố của những hàng chè “trăm năm” (chè “năm trăm VNĐ/cốc), của những hàng bàng hoa trắng và quả mọng vàng ươm thơm phức trao tay nhau, của nhà ga cũ kĩ những tiếng rao, của những “chợ Con”, của ngõ nhỏ nơi tôi thấy mình như một gã trai “ vào mua bao thuốc/ngồi hút mà buồn tênh/em yêu hay không yêu/việc gì mà phải khổ?”, thành phố của con chim sẻ tóc xù, của bác thợ mộc, của cây táo ra hoa, của cái rạp hát không bao giờ mở cửa để “ngồi trong nhà hát đợi màn lên”, của những quán sách cũ lẻ loi, của hiệu sách sơ sài mà thèm khát…, thành phố của những mùa hoa ngâu rộm vàng ven hồ Bạch Đằng và thơm trong sổ thơ “Nắp đàn khóa sợi dây vẫn hát/Bao giờ ngâu nở hoa”... Thành phố nơi đầu tiên tôi biết tuyệt vọng mà không thôi khao khát lại. Thành phố mà một người bạn đã dành cho tôi những câu thơ này:

Em gầy như huệ trắng xanh
Ngọn lửa nhỏ giữa đôi bờ vực thẳm
Em kì diệu em âm thầm kiêu hãnh
Em cô đơn như biển lạ lùng ơi…

Khi đó, tôi gầy hơn bây giờ nhiều, có lẽ tôi cũng mãnh liệt hơn, cô đơn hơn, khao khát hơn, kiêu hãnh hơn, khi đó tôi chưa bị cái đời sống của nhiều quan hệ giao tiếp cười nói làm che lấp cái tôi, khi đó giữa những người bạn, bao giờ tôi cũng khiến họ vừa yêu thương vừa ngại ngùng không đến gần, khi đó tôi là đứa trẻ lạc loài, xa lạ giữa lớp học ồn ào, là một linh hồn, là một thứ hoa dại… Khi đó, tôi gần như tự thấy mình không có khả năng duy trì một đời sống bình thường giữa mọi người, lúc nào cũng bất ổn, ngổn ngang, thất thần. Sau này, có những lúc, tôi đã sợ sự hoạt bát vui vẻ mà tôi thêm vào gương mặt mình khi đã lân la làm thân với đời sống.

Ở thành phố đó, (chúng) tôi yêu Vũ. Chúng tôi chép tặng nhau những bài thơ của Vũ. Tôi đọc ngẩn ngơ hàng ngày những câu trong bài “Bầy ong trong đêm sâu” như dành cho tôi:

Tâm hồn anh dằn vặt cuộc đời anh
Thắp một ngọn đèn hồng như ánh lửa
Đêm sâu quá đêm nào biết ngủ
Chỉ con người đến ngủ giữa đêm thôi
Mà có ngủ đâu người ta đợi mặt trời
Đợi lâu quá nên để cơn mơ chờ đợi vậy…
… Con ong vàng bé nhỏ đến tìm em
Con ong trắng bơ vơ trong tổ nắng
Con ong đỏ là con ong thơ thẩn
Bay đi tìm hương nhụy mất từ lâu…

Nick yahoo đầu tiên của tôi là ongdo86 mà bạn bè thường đọc là Ông đồ.

Nhiều bài thơ khác của Vũ ám hơn, như những bài về chiến tranh. Nhưng những bài về tình yêu, hay chính là về tâm hồn thật là Vũ của tuổi 17 của tôi hơn. Kể từ đó, tình yêu với tôi thường cũng là dằn vặt, về bản thân mình và về tuyệt đối. Tôi yêu một quả chuông đập giữa hồi chuông vô tận của trời xanh, tôi yêu cách tôi hồi hộp, bồn chốn sống, lúc nào cũng thế.

Nhưng tôi không tin người yêu thơ Vũ có thể trả lời câu hỏi: Vì sao yêu thơ Vũ? Tôi đã nhiều lần bị hỏi câu này, có lần có lẽ đã làm mất toi mấy chục phút phỏng vấn của anh bạn ở đài truyền hình Hải Phòng, vì không sao ghi hình nổi và không sao nói năng suôn sẻ nổi (chỉ vì anh bạn nhất nhất bắt trả lời và bắt đọc thơ, hồi kịch của Vũ được diễn ở nhà hát Tuổi trẻ mấy năm gần đây). Nếu nói đến cách tạo dựng hình ảnh siêu thực, thì sự siêu thực của Vũ không thật quái lạ. Nếu nói cái mới về ngôn ngữ, cảm xúc…

Mọi thứ phân tích dường như là vô nghĩa.

Ở thơ Vũ, người ta có lẽ đã để xảy ra nơi tâm hồn mình sự nhập thân hay sự tự đồng nhất kì lạ, dù người đọc là nữ hay nam, là kẻ cô đơn hay có xung quanh bao niềm vui bè bạn, điều chỉ có khi người làm thơ như trút hết mình nơi đó. Hay Vũ đã “giết” người bằng những từ gây nguy hiểm mà cũng là những từ làm nên sức mạnh của tuổi trẻ, vì nó luôn tìm đến sự sâu thẳm, tận cùng, tuyệt đối, mà không bị màu mè, làm dáng, lão hóa hay sến rớt khi Vũ dùng: bàng hoàng, tận cùng, dằn vặt, bơ vơ, cô đơn… Thơ Vũ và Vũ trẻ, thực sự, ở sự khao khát cái tuyệt đối và sự thất vọng quá sâu đó, nhưng không bao giờ mòn mỏi. Mòn mỏi là trạng thái đáng sợ nhất của đời sống.

Rất nhiều năm sau tôi không đọc thơ LQV nữa, khi tôi lên đại học, Vũ vẫn là một kỉ niệm, một mối tình, mà Lưu Quang Vũ lại là một cái tên kí dưới các bài thơ mà, khi người ta nói đến nhiều thì tôi thấy xa xôi.

Nhưng cái thành phố viển vông cay đắng u buồn ấy, thì mãi mãi còn đeo bám tôi như số phận. Tôi đã hoài niệm nó ngay khi chưa rời xa nó. Cũng như tôi bây giờ vẫn thường bị tách khỏi đời sống hiện tại bằng căn bệnh hoài niệm mãn tính này.

Sao những ngày này, một tiếng nói của bạn cũng làm tôi nhớ đến mềm lại cả không gian Hà Nội bụi bặm này, khi lá bay vàng mặt phố như bầy cá nhỏ đùa bỡn, bằng lăng bỗng muốn nổi loạn và chẳng còn gì đáng kể ngoài tình bạn và tình yêu, (và thơ.)

Tôi chưa tin có người nào viết được về thơ Vũ mà không giết đi thơ Vũ, hay làm một việc thừa. Và thể nào cũng có kẻ ghen tuông với tình yêu tôi dành cho Vũ.

12/05/2010

11 May, 2010

Những buổi chiều quạnh quẽ

Trong thành phố

Cư dân thành phố đều biết rằng những cặp tình nhân ở đây yêu nhau theo một luật bất thành văn. Khi màn đêm buông xuống, từng cặp từng cặp chui vào các tấm da thú dày móc trên những ngọn cây ven hồ, ven đường hay trong công viên. Trong những tấm da tối tăm an toàn đó, họ thì thầm trò chuyện, cấu chí, yêu đương, vùng vẫy, than khóc, nguyền rủa. Nhưng ngay khi tia sáng đầu tiên rọi đến, những tấm da thú của đêm khuya sẽ lặng lẽ chuyển sang dạng chất liệu trong suốt, cho đến khi sáng ngày, người ta chỉ còn thấy từng thân người đơn lẻ di chuyển trong thành phố như những kẻ hoàn toàn xa lạ.
3/2010

Một buổi chiều quạnh quẽ

A. là một văn sĩ mà người ta miêu tả rằng, hắn yếu đuối đến mức bất cứ ai cũng có thể nếu thích thì giết lúc nào được lúc ấy. Người ta nói rằng các khớp cơ của hắn cũng như những ốc vít lỏng lẻo bắt lấy thanh gỗ mục, có cả một ổ mọt bên trong, bất cứ một chấn động nào cũng là một nguy cơ làm rụng rời. Người ta nói rằng hắn được sinh ra trong ống nghiệm, mẹ hắn là một người đàn bà đau khổ bị chồng bỏ rơi, trở nên suy kiệt, lúc nào cũng khư khư ôm hắn trong lòng như ôm một chiếc bình dễ vỡ. Người ta nói rằng khi 20 tuổi, cái tuổi khỏe nhất, hắn cũng chẳng đánh lại được một con mèo ốm bẹp. Người ta thường kháo nhau, chỉ một cơn gió nhẹ cũng có thể làm hắn tan ra, vỡ lách tách. Người ta nói hắn cũng viết ra được vài lời mạnh mẽ, nhưng chẳng có gì đáng sợ, vì những từ ngữ hắn viết chỉ là từ ngữ mà thôi, chúng không có súng đạn, hay chúng là súng không đạn, chúng cứ nằm ngáp, nằm thở, nằm chờ đợi, nằm giận dữ hay buồn thương trên trang giấy, mãi mãi như thế.

Người ta cũng nói rằng, bản chất văn sĩ của hắn là một kiểu văn - sĩ - tuyệt - đối không biết gì đến đời sống, hắn chỉ là một thằng sách vở, và hắn ngây thơ, nhất là trong quan hệ với đàn bà. Có lần, vào một chiều quạnh quẽ, người ta thấy hắn rít lên trước một hồ nước như một con thỏ bị xiết cổ. Nhìn dưới hồ nước, người ta thấy ánh mắt hắn khiếp nhược và gương mặt tái nhợt trôi nổi lẫn với màu rong rêu xanh lè. Người ta nói một ả gái giang hồ vừa mời mọc hắn làm hắn hoảng sợ.

Tuy nhiên, tôi không bao giờ quên được thời khắc này: một tối mùa hè oi bức, hắn uống rượu rất say, vừa cười vừa nhìn mông lung ở trên đường, cho đến khi tôi phát hiện hắn dừng lại, dưới ngọn đèn đường vàng ệch, tôi thấy hắn nhặt lên từ đường phố một con chim sẻ đã chết, có lẽ bị trúng điện giật, hay mới tập bay nên rơi ngã, hay va quệt vào những làn xe trên đường. Tôi nín lặng chờ giây khắc hắn nâng con chim nhỏ trên tay, nhỏ nước mắt xót thương con vật xấu số. Nhưng thật khủng khiếp, hắn xé từng mảnh nhỏ, dứt từng cái lông chim rồi giật từng miếng, đưa lên miệng nhai và lúc thì phun phì phì, khi lại nuốt ực. Cuối cùng, hắn vuốt cổ xuôi xuống ngực, bước đi với gương mặt thỏa mãn.

Hôm sau, chập choạng chiều, hắn tìm tôi và nói rằng đêm qua hắn đã hiếp rồi xé từng mảnh thịt một ả mỡ màng ở nhà thổ, hắn đã thành đàn ông thực sự. Hắn nói một lúc nào có hứng hắn sẽ xé thịt tôi. Ngôn từ của hắn thẳng băng, mạnh mẽ, chính xác và ẩn chứa sự say sưa khoái hoạt, như có máu chảy giần giật ở trong.

Tôi hoảng sợ, thấy hắn như mang sẵn một khối thuốc nổ bạo lực. Tôi biết đó là một điều hoàn toàn nghiêm túc. Hắn là một nhà văn. Lúc này, tôi cảm thấy tất thảy những điều người ta nói về hắn đều sai, hắn đang đầy sức mạnh và hắn có thể khử tôi bất cứ khi nào, xé xác tôi, nhai nuốt và phun phì phì, và không chỉ tôi, chắc chắn những người khác khi một mình đối diện với hắn, với ngôn từ của hắn cũng sẽ hoảng sợ, quy phục hắn một cách phi lý, nhất là trong những buổi chiều quạnh quẽ.
05/2010
N.T
(Hic, thấy đăng ở blog vẫn thú vị hơn ở web:)

08 May, 2010

Quảng cáo website

Mời bạn ghé thăm website của NT:
www.nhathuyen.net


Do mù IT, nên vẫn đang học cách sử dụng:).
Ở website này, bạn sẽ đọc được:
-một số tin tức về tình hình lao động của bản thân, (bao gồm cả sự nghiệp chiến đấu vì "tự do và ái tình" nếu có kết quả tốt đẹp trong tương lai), thông tin ngắn gọn về sách, những nhận xét tôi muốn chia sẻ,..
- Một phần thơ và truyện (cực) ngắn (mới), các tiểu luận mới, các bài phỏng vấn hoặc trò chuyện mà tôi thấy thích hoặc có ích...Các bài báo thì có lẽ lười update hơn, vì nhiều khi cũng không hiểu sao mình viết được báo:D.
- Một phần tôi rất muốn làm tốt là phần document, lưu trữ những bài viết hay của bạn bè hay đọc đâu đó, hay được chia sẻ về văn hóa, nghệ thuật, đời sống, lịch sử,ect... Tôi sẽ để cả dạng file PDF để bạn đọc tiện dowload nếu thích, chỉ xin vui lòng ghi nguồn nếu trích dẫn và đảm bảo quyền của tác giả, người cộng tác. Tôi cũng rất vui nếu bạn gửi tới tôi những tài liệu mà bạn muốn chia sẻ.
- Gallery với những bức ảnh tự chụp. Hứng thú của tôi là ảnh chân dung và ảnh đời sống hoặc thiên nhiên hoặc theo ý tưởng. Tuy nhiên, khả năng photoshop thì gần như vẫn là zero. Bạn photographer của tớ là vợ chồng nhà bạn Yellow (đang đam mê đốt tiền cho máy phim), người mẫu (nam) thành công nhất của mình đến giờ là Chiketo. Máy ảnh đang sử dụng là Kiss X, canon 400D hàng secondhand. Sic.
- Ngoài ra, tất nhiên có thể đọc blog này từ web.

Cảm ơn bạn dành chút thời gian chia sẻ cùng tôi. Tôi hi vọng đó là một website ít để nói về mình, mà nhiều hơn, là để tìm một không gian chia sẻ và nhất là mong kết nối với những người quan tâm đến văn chương,thơ ca, nghệ thuật, sách vở và tất cả những gì có thể:)
N.T

07 May, 2010

Ăn vặt

Đọc tạp văn Nguyễn Việt Hà bớt mỏi hơn đọc tiểu thuyết Nguyễn Việt Hà, tạp văn cũng như đồ ăn vặt của phụ nữ, bỏ trong túi xách, buồn cũng nhí nhách được. Nó là thể loại vô thể loại, như đứa con không rõ bố mẹ mình là (những) ai, dễ nuôi, dễ nhân giống, nhưng khó thành danh. Nguyễn Việt Hà cũng tự nhận mình là tay “tán nhảm lắm mồm”, nhưng cái sự lảm nhảm của gã, từ tập “Mặt của đàn ông” (xnb Hội nhà văn, 2008) đến “Đàn bà uống rượu” (NXb Văn học, 2010), thấy chưa nhạt đi mà đậm hơn, sâu sắc nước đời hơn, giễu cợt hơn, và đọc được nhiều hơn.

Nhân vật nhìn chung vẫn gồm lại: đàn ông và đàn bà, làm diễn viên, văn sĩ, thương gia, thầy giáo…, với không gian đô thị, với thời gian bây giờ, mỗi loại lại chứa nhiều tập con hành xử của đàn ông – đàn bà với mình, với người, với thiên nhiên mưa gió bốn mùa…. Từ đó bày ra một bề mặt đô thị nhốn nháo, ngược xuôi giá trị, nhiều nghịch lý, ê hề cái phàm tục, dấp dính cả vào cái cao thượng ít ỏi… Trong cái dung dịch phàm tục đó, cuốn trước, gã thả những tranh vẽ “mặt của đàn ông”, cuốn sau lại phơi một seri thiếu nữ, thiếu phụ.

(Tuy nhiên, xin mở ngoặc, đàn ông đọc hai tập tạp văn này được an ủi nhiều hơn đàn bà, thấy mình “nghĩa hiệp” hành sự hôn nhân như “chuyện không đáng làm mà không thể không làm”. Cái đề tài xoay đi xoay lại không xong này ắt làm phật lòng nhiều đàn bà hiện đại, bực mình như bị soi nhầm phải gương xấu, cái gương không biết nịnh mặt, vì hôn nhân cũng là cái hạn không giải được của bậc nữ nhi trót nông nổi tin vào ái tình phút chốc và mơ mộng về tuyệt đối.
Sách “Liêu trai chí dị”, phần tục biên, kể rằng: Một đạo sĩ mù khét tiếng có tài ngửi văn đoán người, đoán biết được xứ sở của người viết. Một ngày kia, người ta đem đến một số sách viết về đàn bà (của cả đàn ông và đàn bà). Đốt một ít trang của Miên Miên, Vệ Tuệ… ông bảo ngay “của Tàu”, vì mùi nhục dục suồng sã. Sách của Duras, ông nói có mùi tự mê, kiểu của Tây. Đến khi đem sách của Việt Nam ra, ông nhăn mũi đánh hơi rồi phân hai loại, ha hả: đích thị về đàn bà Việt. Hỏi cụ thể, ông bảo: loại đàn ông viết về đàn bà có mùi sợ hãi lẫn cay đắng mà tự mãn, loại đàn bà viết về đàn bà có mùi ảo tưởng mà nô lệ lẫn đau đớn. Hỏi tiếp liệu có cuộc nổi dậy đòi nữ quyền hoành tráng nào không, đạo sĩ cả cười mà không đáp).

Nguyễn Việt Hà xoay, dựng, ngắm nghía… chuyện người, chuyện mình, với cái nhìn từ bên ngoài, chứ không tự ru mình, không day dứt dằn vặt, không bày đủ hỉ nộ ái ố riêng tư, không ngao ngán đạo mạo. Nhưng gã không thể không bình luận và giễu cợt. Cái giọng giễu cợt đặc trưng qua cách dùng từ ngữ lung linh hoa mĩ cố tình, gieo vần, đảo tính từ nhấn mạnh, cách khóa bằng câu kết – nhiều câu “nhớ đời”, một kiểu khẩu văn lai thơ đậm đặc chất dân gian đương đại, cách lập ý ngược đời kiểu thơ Nguyễn Bảo Sinh. Gã ham truy nguyên, nhiều chữ, lắm nghĩa, đủ loại Đông Tây lẫn giai thoại đời thường, như kẻ sĩ nhẩn nha bình luận sự đời, như người kể chuyện trong cuốn sách của Thackerey đang quan sát và vẽ lại một “hội chợ phù hoa”.

Gã nhiều khi cũng bâng khuâng, vì cái đẹp, nhưng có lẽ buồn rầu nhiều hơn, bởi đó là những cái đẹp đã thất truyền hoặc đang biến thái khó lường.

May cho người đọc, Nguyễn Việt Hà không có vẻ sùng cổ. Cho nên tạp văn của gã, ngoài quan điểm về hôn nhân làm đàn bà đọc thấy chút bực mình, không bị xếp cùng loại với những cái được ví với “cụ già chống gậy vừa đi vừa thở dài” (nhất là khi người viết tạp văn tuổi còn trẻ), vốn cũng kha khá trên các báo. Giọng giễu cợt không bị ngấm chất trầm tư sâu sắc một tí mơ mộng một tí hoài niệm một tí, bâng kho-âng một tí, sặc sụa triết lý, đeo nặng nỗi buồn bất lực hay trách nhiệm phê phán, lên án cái bất công nhố nhăng ( lên án gì? khi mình cũng là một phần tử của cái nhố nhăng, cái hội chợ phù hoa đó).

Tạp văn hình như đang được thời, sau khi các nhà văn (e rằng) hết được mùa tiểu thuyết (Việt). Nhưng có bạn đọc đã nói vui để “cảnh giác” những nhà viết tạp văn, cũng dùng hình tượng Nguyễn Việt Hà đã viết trong một phiếm luận về phở: đã làm hàng phở, thì hãy cảnh giác nhất quyết không thể vì thị trường mà giương biển “phở, cháo, bún, miến, các món xào”.
12/4/2010
Nhã Thuyên

p/s: Ăn vặt nên nhiều khi ăn ngon không phải do đồ ăn ngon, mà có thể do trời đẹp:)